Một định hướng giáo dục mới: phát triển kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Quang Tuấn
Đại học New South Wales, Sydney, Australia,
TUANPHAM@UNSW.EDU.AU
Một trong những vấn đề ta thường gặp ở Việt Nam là sinh viên học sinh ra trường chưa đủ khả năng sẵn sàng để đảm nhận được các công tác, chức vụ mà đáng lẽ họ phải có khả năng ứng xử độc lập. Họ phải qua một thời gian bỡ ngỡ, chới với rất dài so với thời gian cần thiết cho một sinh viên phương Tây. Trong mấy chục năm du học và dạy học, tôi và nhiều bạn bè cũng hay nhận xét rằng sinh viên Việt Nam (và châu á nói chung) thường rất khá ở những năm đầu, khi chỉ cần biết cách giải toán hay thuộc bài là được điểm cao, nhưng lên những năm cuối khi làm đề án nhiều là thua xa sinh viên phương Tây. Điều này tôi sẽ chứng minh cụ thể trong bài. Sự khác biệt này, theo tôi nghĩ, là do sự khác nhau về triết lý và định hướng giáo dục.
Trong khi giáo dục Việt Nam chú ý đến việc nhồi nhét và thi cử cùng sự rèn luyện một số kỹ năng chật hẹp (như giải toán), nền giáo dục của các nước phương Tây rất chú trọng rèn luyện kỹ năng giải quyết những vấn đề thực tế. Muốn giải quyết vấn đề thì kiến thức chưa đủ, mà còn cần cả một thái độ tinh thần nào đó, một thái độ tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám thử, dám sáng tạo, đồng thời cũng chịu khó tìm tòi học hỏi với một thái độ thực tiễn. Tinh thần này không phải không có ở một số người Việt Nam, nhưng rất ít và thường là đặc tính bẩm sinh, chưa bị giáo dục làm mai một, chứ không phải nhờ giáo dục mà phát triển.
Đại học New South Wales, Sydney, Australia,
TUANPHAM@UNSW.EDU.AU
Một trong những vấn đề ta thường gặp ở Việt Nam là sinh viên học sinh ra trường chưa đủ khả năng sẵn sàng để đảm nhận được các công tác, chức vụ mà đáng lẽ họ phải có khả năng ứng xử độc lập. Họ phải qua một thời gian bỡ ngỡ, chới với rất dài so với thời gian cần thiết cho một sinh viên phương Tây. Trong mấy chục năm du học và dạy học, tôi và nhiều bạn bè cũng hay nhận xét rằng sinh viên Việt Nam (và châu á nói chung) thường rất khá ở những năm đầu, khi chỉ cần biết cách giải toán hay thuộc bài là được điểm cao, nhưng lên những năm cuối khi làm đề án nhiều là thua xa sinh viên phương Tây. Điều này tôi sẽ chứng minh cụ thể trong bài. Sự khác biệt này, theo tôi nghĩ, là do sự khác nhau về triết lý và định hướng giáo dục.
Trong khi giáo dục Việt Nam chú ý đến việc nhồi nhét và thi cử cùng sự rèn luyện một số kỹ năng chật hẹp (như giải toán), nền giáo dục của các nước phương Tây rất chú trọng rèn luyện kỹ năng giải quyết những vấn đề thực tế. Muốn giải quyết vấn đề thì kiến thức chưa đủ, mà còn cần cả một thái độ tinh thần nào đó, một thái độ tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám thử, dám sáng tạo, đồng thời cũng chịu khó tìm tòi học hỏi với một thái độ thực tiễn. Tinh thần này không phải không có ở một số người Việt Nam, nhưng rất ít và thường là đặc tính bẩm sinh, chưa bị giáo dục làm mai một, chứ không phải nhờ giáo dục mà phát triển.
Tuy nhiên muốn giải quyết vấn đề thì trước hết phải nhận thấy có vấn đề và nhìn ra vấn đề. Nhìn chung, có một sự khác biệt rất lớn trong thái độ sống của con người phương Tây so với con người Việt Nam chúng ta là họ hay đặt vấn đề, nhìn đâu cũng thấy vấn đề cần giải quyết. Tại các nước phương Tây, thái độ này không phải chỉ là do ảnh hưởng giáo dục học đường, mà đã ngấm sâu vào xã hội, trong mọi thể chế kể cả báo chí, chính trị cũng như trong đời sống thường ngày. Nhiều người quen sống trong xã hội Việt Nam, khi ra ngoại quốc thường thấy hoang mang khó chịu vì luôn phải nghe chê bai, chỉ trích trong mọi việc mặc dù xã hội có vẻ phồn thịnh về vật chất. Báo chí đầy rẫy tin xấu, ít tin vui. Diễn văn của các nhà chính trị đầy chê bai, ít khen ngợi. Thói quen phê phán đó của người phương Tây cũng nhiễm vào cộng đồng người Việt hải ngoại, trở thành nguồn gốc của nhiều hiểu lầm tai hại. Nhiều khi người trong nước tưởng lầm rằng sự phê phán của Việt kiều có nguồn gốc thái độ chính trị nhưng thực ra là tập tính văn hóa nhiễm từ xã hội phương Tây.
Theo thiển ý của tôi, muốn cho giáo dục góp phần vào việc phát triển quốc gia về mọi mặt để có thể đương đầu với những vấn đề của thế kỷ 21 thì nền giáo dục phải nhằm vào sự phát triển, hay ít ra đừng làm mai một năng khiếu "phát hiện vấn đề" (problem finding) và "giải quyết vấn đề" (problem solving). Xã hội phương Tây chú trọng đến những mục tiêu này đến nỗi ta có thể gọi họ là những "xã hội hướng về vấn đề ("problem-oriented societies").
Theo thiển ý, sự mai một khả năng nhìn thấy vấn đề là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển. Khi mà ta bằng lòng với những cái đã có, khi chỉ thấy những vấn đề nhỏ mà không thấy vấn đề lớn, khi sợ sệt không dám phân tích vấn đề tới nơi tới chốn, không dám nhìn thẳng vào vấn đề, thì ta đã bị thiệt thòi ngay từ bước đầu. Do đó, giáo dục phương Tây rất khuyến khích một thái độ cật vấn, hay đặt câu hỏi ("questioning attitude") ở đứa trẻ từ tuổi nhỏ, còn ta thì trái lại thường không tán thành việc đó. Đứa trẻ hỏi quá nhiều thì người lớn bảo lo học đi, đừng hỏi vớ vẩn, lớn lên sẽ biết, chuyện đó đã có người lớn lo, thậm chí có thể bị la mắng, ít khi được hân hạnh bàn cãi thẳng thắn và bình đẳng. Người lớn hay có những biện pháp đối xử làm mất sự tự tin của trẻ nhỏ, trong khi lòng tự tin lại là một yếu tố rất quan trọng trong việc nhìn thấy và giải quyết vấn đề. Có thể là bố mẹ cũng sợ rằng con mình phát triển những thói quen cật vấn và lòng tự tin quá đáng thì sẽ đi tới chỗ kiêu ngạo và bị xã hội trù dập nên cần dập ngay từ nhỏ.
Truyền thống này bắt rễ sâu trong xã hội Việt Nam từ bao đời và có thể đã trở thành tệ hơn trong mấy chục năm vừa qua. Xã hội phong kiến làng xã cổ xưa của Việt Nam là một xã hội trọng sự ổn định hơn hết và coi thái độ ngờ vực, nhìn đâu cũng thấy vấn đề, đòi hỏi sửa đổi, cải tiến, là đối lập của sự ổn định. Thái độ trọng ổn định này vẫn là đặc tính căn bản của Việt Nam hiện nay dù sau mấy chục năm tiếp xúc với một thế giới càng ngày thay đổi càng nhanh. Do đó sự phát triển thái độ thẳng thắn và hay tìm vấn đề là một sự vô cùng cần thiết, nhưng không phải là dễ dàng trong một nước như Việt Nam hiện nay. Căn bản là nhà giáo dục, và người lớn nói chung, phải có một thái độ kiên nhẫn, khoan dung và bình đẳng hơn với trẻ nhỏ. Để khuyến khích mở mang những đặc tính tìm tòi của trẻ đã có rất nhiều nghiên cứu và sách vở chuyên môn về sư phạm mà nền giáo dục của ta cần học hỏi. Tiếc thay hiện nay chúng ta vẫn chưa dành ưu tiên thích đáng cho ngành sư phạm.
Quay sang khía cạnh thứ hai là sự phát triển khả năng giải quyết vấn đề, tôi thấy nền giáo dục của ta cũng rất yếu kém. Khả năng giải quyết vấn đề không phải chỉ ở kiến thức theo nghĩa hẹp mà còn tùy thuộc vào một số đặc tính tinh thần:
- Có đầu óc tự tin và sáng tạo, không máy móc đi theo những lối suy nghĩ hay hành động cũ, biết sáng chế hay ít ra biết ứng dụng những giải pháp sẵn có cho những hoàn cảnh mới, không làm theo sách vở một cách máy móc, nhưng biết dùng sách vở tài liệu một cách sáng tạo và thực tiễn.
- Luôn luôn tìm tòi học hỏi.
- Biết áp dụng tinh thần khách quan và khoa học vào mọi phương diện của đời sống cá nhân và xã hội, không phải chỉ trong phạm vi chuyên môn.
- Biết hợp tác, và ở một số người, biết lãnh đạo theo những nguyên tắc dân chủ văn minh.
- Biết nhận thấy và có can đảm tôn trọng sự thật.
- Có óc thực tế (pragmatism), không định kiến, không câu nệ thành kiến.
Tính tìm tòi sáng tạo là những tính thiên bẩm của con người và nhất là ở trẻ em, nhưng dễ bị mai một đi trong những hệ thống giáo dục, xã hội từ chương cổ hủ truyền thống. Vậy giáo dục phải để cho trẻ phát triển tự nhiên những tính đó thay vì gò bó chúng vào khuôn phép.
Từ ngàn xưa giáo dục Việt Nam chú trọng đào tạo cho đứa trẻ biết chỗ đứng đã định của mình trong xã hội. Tính tự tin thường bị nhìn một cách dè dặt và nhầm lẫn với kiêu căng, lối suy nghĩ khác thường hay bị nghi ngờ và dập tắt sớm, đưa đến sự thui chột óc sáng kiến, tinh thần tôn sư trọng đạo thái quá dẫn đến lòng tin vào người trên, lối cũ, sách vở một cách quá đáng (nhưng lại không biết áp dụng kiến thức sách vở vào thực tế). Tính khiêm nhường, biết điều máy móc vâng lời được coi là quan trọng hơn óc tự tin và sáng kiến.
Trong khi đó, ở các trường tiểu học và trung học của Australia, học trò được khuyến khích tự suy nghĩ lấy từ tuổi rất nhỏ. Từ tiểu học, chúng đã được cho làm những đề án (project) đối với chúng là khá lớn, phải bỏ cả mấy buổi đi vào thư viện hay mò mẫm trên Internet, tìm tài liệu viết những bài nghị luận, khảo cứu, chúng đi đến kết luận tùy theo suy luận của mình, không phải trả lời một câu hỏi có sẵn hay chứng minh một quan điểm do thầy cô đưa ra. Ngày thứ bảy, chủ nhật đi vào thư viện thành phố là thấy từng đoàn trẻ con từ chín mười tuổi trở lên đi tìm sách làm đề án (bây giờ thì có thể ít hơn vì có thể dùng internet ở nhà). Học trò được khuyến khích tự tin vào lý luận của mình, không máy móc theo người lớn, luôn luôn có quyền lý sự với thầy giáo và người lớn nói chung và không bao giờ bị bắt phải im lặng tuân theo lý lẽ của người lớn. Dĩ nhiên lối giáo dục ấy đòi hỏi một sự hiểu biết và kiên nhẫn lớn ở thầy cô và người lớn nói chung. (Người Á Đông chúng ta thường có thành kiến rằng người phương Tây hấp tấp, kém kiên nhẫn, nhưng tôi tin rằng nếu thấy một người phương Tây trung bình bàn luận với trẻ nhỏ thì sẽ không ai còn nghĩ như vậy nữa.) Đối với bạn cùng lứa, các em có những bài tập rất hữu hiệu về sự hợp tác một cách dân chủ trong thể thao cũng như trong những cuộc tranh luận (debates). Một trong những điều kiện tối cần thiết của hoạt động tập thể là kỹ năng diễn đạt ý tưởng (communication), và trẻ cũng được đào luyện kỹ về cách trình bày và bảo vệ ý tưởng qua những buổi tranh luận và những bài tập diễn văn. Chúng cũng được tập luyện về nghệ thuật giải quyết tranh chấp (conflict resolution) .
(Xin đừng lầm lẫn với sự nhường nhịn kiểu dĩ hòa vi quý, "một sự nhịn chín sự lành" của Việt Nam, vốn thường là bỏ qua một bên mọi sự phải trái ; ở đây,nghệ thuật giải quyết tranh chấp là nghệ thuật bàn luận một cách khôn khéo và dùng lý lẽ để dung hòa những quan điểm trái ngược nhằm hợp tác hữu hiệu.) Với sự đào luyện đó, phần đông thanh niên Australia ra trường với một thái độ rất tự tin và đầu óc linh hoạt dễ thích ứng với hoàn cảnh.
Sự khác biệt giữa những thanh, thiếu niên đào tạo trong hệ thống Australia và những thanh, thiếu niên đào tạo trong những nước châu á đang phát triển như Việt Nam rất dễ nhận thấy trong quá trình học tập ở đại học, khi họ học chung với nhau trong các trường đại học Australia. ở những năm đầu đại học, chương trình học chú tâm vào việc nhồi nhét một số kiến thức căn bản như toán, lý, hóa, sinh viên Việt Nam thường rất trội, điểm cao hơn hẳn các sinh viên Australia. Lên đến năm thứ ba, khi sinh viên cần phải tự đọc sách và tìm lấy kiến thức, và nhất là khi vào năm thứ tư của những chương trình honours, khi phải làm những đề án lớn một mình hoặc cộng tác với đồng môn dưới sự hướng dẫn lỏng lẻo của thầy, đòi hỏi tính tự tin, óc sáng kiến, kỹ năng giao tiếp và cộng tác, thì sự yếu kém của phần lớn sinh viên Việt Nam hiện ra rõ rệt. Thời đi du học tôi thường kinh ngạc vì thấy thanh niên bản xứ, kể cả những người chưa học đại học, dùng tài liệu từ sách vở báo chí để làm xe hơi, xây nhà, thậm chí làm máy bay thành công mà không chút ngần ngại hay mặc cảm (một ví dụ gần đây là một thiếu niên Australia 17 tuổi đi thuyền buồm một mình vòng quanh thế giới). Trong khi đó thì sinh viên Việt Nam đến khi ra trường đi vào xã hội vẫn còn chới với y như anh sinh viên đi thực tập, chưa có khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Để chứng minh sự kiện này một cách khách quan, tránh dựa vào cảm tính, tôi đã phân tích điểm trung bình hàng năm của các sinh viên tốt nghiệp trong khoa Công nghiệp hóa trường tôi, vì tôi nắm đầy đủ dữ kiện. So sánh điểm trung bình từng năm của 361 sinh viên Australia và 68 sinh viên du học từ Đông - Nam á (phần đông là Indonesia với một số Thailand và Malaysia), ta có kết quả như sau:
Năm đầu, sinh viên Đông - Nam á 67,4%, Australia 65,8%
Năm thứ hai, sinh viên Đông - Nam á 65,8%, Australia 66,4%
Năm thứ ba, sinh viên Đông - Nam á 63,0%, Australia 66,1%
Năm thứ tư, sinh viên Đông - Nam á 66,0%, Australia 71,5% tức là năm đầu sinh viên Đông - Nam Á dẫn trước 1,5% rồi cứ tụt dần cho tới năm cuối thì thua hẳn 5,5%. Sự cách biệt ở năm cuối có lẽ còn lớn hơn nhiều - có thể là gấp đôi - nếu không có những đề án làm chung (như đề án vẽ quy trình công nghệ "process design project") giúp cho những người kém trong nhóm được đồng đội "kéo" lên. Thật vậy, khi hướng dẫn những nhóm "design team" trong năm cuối (mỗi nhóm bốn người), tôi thường nhận thấy rằng ở những nhóm có lẫn Australia và á, sinh viên Australia luôn luôn năng động, phát hiện vấn đề, đưa ra cách tìm giải pháp, lãnh đạo và phân chia công việc cho các đồng đội châu á; sinh viên châu á thì chỉ giỏi làm những nhiệm vụ được giao phó, khía cạnh này họ không thua kém ai. Cũng không thể bảo rằng sự tụt hậu của sinh viên Đông - Nam á là do kém Anh ngữ, vì đến năm cuối tiếng Anh của họ phải giỏi hơn năm đầu rất nhiều.
Năm đầu, sinh viên Đông - Nam á 67,4%, Australia 65,8%
Năm thứ hai, sinh viên Đông - Nam á 65,8%, Australia 66,4%
Năm thứ ba, sinh viên Đông - Nam á 63,0%, Australia 66,1%
Năm thứ tư, sinh viên Đông - Nam á 66,0%, Australia 71,5% tức là năm đầu sinh viên Đông - Nam Á dẫn trước 1,5% rồi cứ tụt dần cho tới năm cuối thì thua hẳn 5,5%. Sự cách biệt ở năm cuối có lẽ còn lớn hơn nhiều - có thể là gấp đôi - nếu không có những đề án làm chung (như đề án vẽ quy trình công nghệ "process design project") giúp cho những người kém trong nhóm được đồng đội "kéo" lên. Thật vậy, khi hướng dẫn những nhóm "design team" trong năm cuối (mỗi nhóm bốn người), tôi thường nhận thấy rằng ở những nhóm có lẫn Australia và á, sinh viên Australia luôn luôn năng động, phát hiện vấn đề, đưa ra cách tìm giải pháp, lãnh đạo và phân chia công việc cho các đồng đội châu á; sinh viên châu á thì chỉ giỏi làm những nhiệm vụ được giao phó, khía cạnh này họ không thua kém ai. Cũng không thể bảo rằng sự tụt hậu của sinh viên Đông - Nam á là do kém Anh ngữ, vì đến năm cuối tiếng Anh của họ phải giỏi hơn năm đầu rất nhiều.
Người dạy đại học tại Australia, Mỹ sẽ quen thuộc với những mẩu chuyện sau đây: Có lần tôi đưa một sinh viên năm cuối làm một đề án có liên quan đến việc dùng những chất làm lạnh CFC có hại cho tầng ozone; sau khi nghe tôi diễn tả mục đích đề án chừng nửa giờ, cô ta đi tìm tài liệu, liên lạc với các tổ chức về môi sinh (như Green Peace), với những chuyên viên trong ngành, với Liên hợp quốc v.v., hoàn toàn không cần chỉ bảo. Về mặt kỹ thuật cô ta cũng tự học lấy những kỹ thuật tính toán mới mẻ bằng computer chưa hề được dạy. Sáu tháng sau cô ta làm xong một công trình có giá trị đăng trong báo kỹ thuật và có ít nhiều tiếng vang trong ngành. Sự tháo vát như vậy không phải là không có ở một số người Việt Nam, nhưng chưa hề thấy trong sinh viên Việt Nam hay Đông - Nam á mà tôi đã gặp, và do đó người vừa tháo vát vừa có kiến thức là hiếm trong xã hội của ta.
Cái gì cũng có mặt trái của nó, và lối giáo dục của Australia cũng đưa đến một vài điểm không được hoàn hảo dưới mắt người Việt. ở một số người, nó sẽ phát triển những cao vọng không thực tế, quá xa vời ("overdriven"), kém khiêm nhường, kém xã giao, nhiều cạnh sắc gây đụng chạm với người chung quanh. Xã hội Australia và phương Tây nói chung dễ chấp nhận những "tính xấu" này hơn là xã hội Việt Nam, họ không coi là quan trọng mà coi là sản phẩm phụ của lối giáo dục khuyến khích tự tin và sáng tạo, khó tránh khỏi trong một thành phần nào đó của xã hội. Dĩ nhiên những kẻ quá kiêu căng thì không có xã hội nào ưa thích.
Để kết luận, tôi đã nói về một sự khác biệt rất quan trọng về định hướng giữa giáo dục Việt Nam và giáo dục phương Tây: sự đào luyện để phát hiện và giải quyết vấn đề. Đem một định hướng mới vào giáo dục không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần cả một thế hệ. Hy vọng rằng khi đã nhìn thấy vấn đề, các nhà giáo dục ở Việt Nam sẽ tìm cách giải quyết một cách mạnh dạn và sáng tạo. Trong một thế giới năng động và biến chuyển càng ngày càng nhanh, với những yếu tố mới chưa từng thấy trong lịch sử loài người, vấn đề mới càng ngày càng nhiều và nghiêm trọng, về mọi mặt kỹ thuật, môi trường, xã hội, chính trị, kinh tế, đạo đức. Để khỏi tụt hậu ngày càng xa, để phát triển, tham gia quá trình toàn cầu hóa nhưng không đánh mất bản sắc dân tộc, không quên hoàn cảnh cụ thể của đất nước hiện nay, chúng ta cần những con người bén nhạy trong việc phát hiện và giải quyết những vấn đề của chúng ta.
Nhận xét
Đăng nhận xét