Người con gặp - Tổng biên tập của Riva
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: “Tay trái dài hơn tay phải”
Nghệ
sĩ làm nghệ thuật ở Việt Nam lạ thật, ngoài chuyên môn chính hầu như ai
cũng có thêm nghề tay trái. Có khá nhiều người thành danh và nổi tiếng
từ nghề tay trái - nhiều khi còn vượt trội hơn cả chuyên môn chính của
mình. Phạm Hoàng Nam là một trong số đó.
Nghề tay trái: cá gặp nướcPhạm Hoàng Nam được đào tạo chuyên ngành quay phim tại trường điện ảnh danh tiếng VGIK (Liên Xô cũ). Có thể nói, so với những người Việt Nam được đào tạo quay phim ở nước ngoài vào thời bao cấp, thì Phạm Hoàng Nam là người thành đạt và... khá nhất (cả về kinh tế lẫn chuyên môn).
Đọc nhiều, xem nhiều, nghe nhiều, và chịu khó lắng nghe học hỏi... nên anh nổi trội hơn hẳn nhiều đồng nghiệp ở kiến thức nền vững chắc.
Luôn chịu khó làm người khai mở, Phạm Hoàng Nam là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho thế giới showbiz tại Việt Nam. Vào giữa thập niên 1990, anh đi tiên phong trong việc thực hiện những video clip ca nhạc made in Việt Nam, lúc thị trường đang tràn ngập những video clip của nước ngoài. Giới trẻ Việt phấn khích và thích thú những video clip lạ mắt của anh, tạo tiền đề cho làn sóng các đạo diễn trẻ và ca sĩ ào ạt thực hiện các video clip, góp phần đưa ca nhạc chiếm lĩnh vị trí hàng đầu thị trường giải trí tại Việt Nam.
Vào thời đó, phim quảng cáo đã bắt đầu phát triển mạnh, nhưng do yêu cầu khắt khe và đòi hỏi cao của các nhãn hàng, nên 99% đều giao cho các đạo diễn nước ngoài thực hiện. Phạm Hoàng Nam có thể nói là người Việt Nam hiếm hoi được các đối tác nước ngoài tin tưởng giao thực hiện các clip quảng cáo - mặc dù chỉ là những quảng cáo có kinh phí không cao. Nhưng ở Việt Nam, để chinh phục các agency (đại diện cho nhãn hàng) đối với một đạo diễn nội địa, thực sự không hề dễ dàng!
Đạo diễn các clip ca nhạc chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng Phạm Hoàng Nam đã kịp để lại dấu ấn thăng hoa đối với hầu hết các ca sĩ nổi danh đương đại. Liền sau đó, anh rút lui nhường lại sân chơi video clip ca nhạc cho các đạo diễn trẻ, và chuyển sang chinh phục những thử thách mới của showbiz Việt Nam: Đạo diễn các show ca nhạc và các event (sự kiện).
Chuyển sang lĩnh vực mới mẻ này đối với anh giống như cá gặp nước. Anh tha hồ vẫy vùng bằng những ý tưởng bay bổng táo bạo. Với nền tảng kiến thức phong hú và cập nhật khá đầy đủ những thay đổi của khoa học kỹ thuật tiên tiến, anh hầu như chưa bao giờ thất bại với những chương trình mà mình thực hiện.
Nhanh chóng trở thành một đạo diễn hàng đầu và đắt giá của showbiz Việt Nam, Phạm Hoàng Nam đã tự khắt khe với chính mình bằng sự chọn lọc. Anh chỉ nhận dàn dựng những chương trình, những sự kiện, những nhân vật... mà anh thật sự yêu thích, hoặc đánh giá đúng tầm cỡ và quy mô của sự kiện.
Xem những chương trình do Phạm Hoàng Nam dàn dựng, người xem thấy rõ sự chắc tay trong từng tiết mục. Từ thủ pháp ánh sáng cho đến màu sắc... Tất cả đều toát lên vẻ sang trọng và trang nhã. Khác với nhiều đạo diễn, Phạm Hoàng Nam không thiên về những dàn dựng cầu kỳ (hình thức) mà chủ yếu chú trọng về giá trị thưởng thức của người xem (nội dung).
Phạm Hoàng Nam - Đạo diễn của những chương trình showbiz hàng đầu Việt Nam - đối với anh hình như sự sáng tạo vẫn chưa có điểm dừng và những chương trình hay nhất, ấn tượng nhất vẫn còn ở phía trước.
Nghề tay phải: cá... ngộp nước
Vị trí nhất nhì trong làng đạo diễn video clip ca nhạc, showbiz và event của Phạm Hoàng Nam là không thể bàn cãi, nhưng điện ảnh mới chính là máu thịt của anh, là nghề nghiệp mà anh đã được đào tạo đến nơi đến chốn. Tuy nhiên đối với nghề tay phải này của anh, có mấy điều cần phải nhìn nhận thật đúng mức.
Thời mà anh được tất cả giới showbiz ca nhạc thừa nhận là một tên tuổi sáng giá thì ngược lại trong lĩnh vực điện ảnh, anh hầu như chỉ là số không. Đạo diễn Lê Hoàng chính là người đã đưa tên tuổi và tài năng của Phạm Hoàng Nam vào hàng ngũ những tay quay phim có tiếng của Việt Nam sau này.
Vào lúc đó, cả nước chỉ sản xuất có vài phim nhựa/năm, đạo diễn Lê Hoàng lại có thói quen chỉ làm việc với những tay quay vững vàng và có tên tuổi (như Đinh Anh Dũng chẳng hạn). Do đó nhiều người thật bất ngờ khi thấy Lê Hoàng giao trọng trách quay bộ phim nhựa “Lưỡi dao” cho Phạm Hoàng Nam - một cái tên lạ hoắc trong làng điện ảnh lúc đó.
Phim “Lưỡi dao” được dư luận đánh giá cao, đặc biệt là phần hình ảnh do Phạm Hoàng Nam đảm trách. Và chỉ với bộ phim đầu tay này, Phạm Hoàng Nam từ một cái tên ít người biết đến trở thành một camera-man trẻ sáng giá của điện ảnh Việt Nam. Anh trở thành tay máy “ruột” của đạo diễn Lê Hoàng. Rồi sau vài bộ phim nữa, Phạm Hoàng Nam gần như chiếm vị trí số một trong làng quay phim của điện ảnh phía Nam.
Nhưng...
Không thể phủ nhận rằng, Phạm Hoàng Nam là một quay phim giỏi, nhưng nếu đánh giá tay nghề của anh thông qua những tác phẩm mà anh đã quay, thì hình như nó chưa đủ sức thuyết phục. Những bộ phim đó được đánh giá cao, nếu chỉ so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt Nam. Và hình như anh cũng thừa hiểu tại sao...
Nguyên nhân chính có lẽ do thiết bị thời ấy quá kém, không đủ cho một người quay phim được thỏa sức sáng tạo. Không thể phủ nhận với “đống” thiết bị cổ lỗ như vậy (đặc biệt là đèn) mà anh phải cố gắng tận dụng và sáng tạo để tạo ra sự khác biệt về hình ảnh cho phim - bấy nhiêu cũng đủ để trao huy chương cho anh rồi!
Khi xem những phim anh quay, phần ánh sáng (công việc quan trọng nhất của người quay phim) vẫn chưa đủ thuyết phục những ai am hiểu nghệ thuật quay phim. Chỉ cần xem ba bộ phim gần đây nhất do Việt kiều hoặc người nước ngoài quay, ta sẽ thấy ngay sự khác biệt: “Áo lụa Hà Đông” (Lưu Huỳnh - đạo diễn và cũng là người đặt sáng cho hầu hết những cảnh quay quan trọng), “Dòng máu anh hùng”, “14 ngày phép” (Dominic Pereira).
Có lẽ dấu ấn lớn nhất của Phạm Hoàng Nam trong những tác phẩm đã qua, chính là hình ảnh bóng của chiếc thánh giá hằn lên gương mặt ngước nhìn của Mỹ Duyên trong bộ phim “Lưỡi dao” - một hình ảnh mang tính biểu dượng và ngôn ngữ điện ảnh đầy sức nặng...
Một nguyên do nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là Phạm Hoàng Nam phải gánh vác quá nhiều trọng trách khi làm việc. Lẽ ra công việc sáng tạo quan trọng nhất của người quay phim là nghệ thuật đặt ánh sáng, nhưng trong hầu hết những bộ phim mà Phạm Hoàng Nam quay, anh còn phải kiêm nhiệm luôn phần quyết định góc máy, bố cục khuôn hình, động tác máy, thậm chí cả dàn dựng... mà lẽ ra đây phải là phần việc của đạo diễn. Đây quả thực là một khó khăn không nhỏ mà đa số đạo diễn (nổi tiếng lẫn lính mới) ở Việt Nam hay mắc phải, đó là cứ giao phó hết phần việc của mình cho quay phim.
Có lẽ chưa bao giờ anh hài lòng với những bộ phim mình quay, vì anh thừa biết nếu chỉ đơn thuần làm công việc quay phim, anh sẽ làm tốt hơn nhiều. Mỗi lần xem phim mà khen anh quay đẹp là anh càng... chán.Vì theo quan niệm của anh, quay phim chỉ là một mắt xích nhỏ phục vụ cho tổng thể của bộ phim. Nếu xem phim mà cứ chăm chú khen hình ảnh đẹp, nghĩa là bản thân bộ phim chả ra gì.
Rồi...
Cũng giống như con đường của rất nhiều quay phim khác trên thế giới, anh quyết định chuyển sang làm đạo diễn phim, sau khi đã làm công việc tương tự như đạo diễn trong khá nhiều phim.
Cách đây vài năm, thông tin anh sẽ đạo diễn bộ phim Tết “Khi đàn ông có bầu” được người trong giới đón nhận theo hai hướng khác nhau. Một phía thì cho rằng chắc chắn anh sẽ thành công vì đã quá quen với những công việc tương tự như vậy. Phía khác thì e ngại rằng, quay phim và đạo diễn một bộ phim truyện là hai công việc rất khác nhau, giống như không phải cứ làm y tá lâu năm là sẽ trở thành bác sĩ...
“Khi đàn ông có bầu” thành công lớn về mặt doanh thu, nhưng với bản thân Phạm Hoàng Nam thì lại là một bước lùi lớn về mặt nghề nghiệp. Không ai mong đợi có một tác phẩm nghệ thuật từ một đề tài thương mại giống như tên phim. Nhưng bạn bè và những người ngưỡng mộ anh kỳ vọng rằng, rơi vào tay Phạm Hoàng Nam thì sẽ phải khác...
Khi xem phim, nhiều người yêu mến anh không hiểu tại sao Phạm Hoàng Nam lại nhận phim này. Vì kinh tế ư, chắc chắn là không vì anh không thiếu tiền. Vậy thì còn lý do gì khác ngoài việc anh muốn thử sức mình ở một lĩnh vực mới - như đã từng thành công với nhiều lĩnh vực khác nhau trong nghệ thuật. Nếu vậy thì có thể xem đây là một thất bại đầu tiên của anh trên cương vị đạo diễn.
Đạo diễn phim truyện để có thể làm phim kinh tế bây giờ hiếm lắm, đếm không quá 5 đầu ngón tay. Bộ phim truyện đầu tiên của anh đạt doanh thu khả quan, nhưng kể từ đó anh lùi vào sự im lặng và trở lại với công việc thường ngày (hái ra tiền) của anh là đạo diễn quảng cáo và các show event, ca nhạc... Cũng có thể chẳng nhà đầu tư nào mời, hoặc cũng có thể anh từ chối... Chỉ có mình anh trả lời được câu hỏi này!
Nhiều người tiếc khả năng sáng tạo bằng ống kính của anh. Anh từ bỏ nó luôn hoặc tạm thời cũng đều uổng phí. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhiều tay máy sừng sỏ của thế giới chỉ theo một nghề đến suốt đời. Rồi cũng có nhiều tay máy sừng sỏ khác chuyển sang đạo diễn, nhưng thành công thu lại hết sức khiêm tốn. Thậm chí sau phim đầu tiên đạo diễn đã lập tức trở lại nghề cũ (quay phim). Ác một nỗi đã ngồi vào ghế đạo diễn rồi thì khó mà xuống lắm!
Phạm Hoàng Nam là một đạo diễn tài hoa, đó là điều không ai phủ nhận, chỉ xin mở ngoặc (chưa phải chứ không phải - đạo diễn phim truyện). Hãy nghe xem Phước Sang chia sẻ suy nghĩ về Phạm Hoàng Nam.
- Quay phim, đạo diễn điện ảnh, làm show – anh đánh giá cao khả năng nào nhất của Phạm Hoàng Nam?
- Có thể nói ngắn gọn, đó là khả năng tư duy. Cái quan trọng nhất của người làm nghệ thuật là khả năng tư duy. Khả năng tư duy của anh Nam rộng, ở trình độ văn hóa, sự hiểu biết và sự tỉnh táo trong suy nghĩ. Ngay từ những ngày đầu anh Nam mới về nước, ai cũng biết tôi là người đầu tiên dám giao anh Nam làm video clip ca nhạc. Sau đó là cả trăm cái video clip, nên giữa tôi và Phạm Hoàng Nam có mối quan hệ với nhau nhiều khi mọi người không biết. Ngay từ đầu tôi đã rất trân trọng khả năng tư duy, sáng tạo của Phạm Hoàng Nam. Quay phim không chỉ là chuyện kỹ thuật, mà nó còn đòi hỏi chiều sâu tâm hồn, tư duy sáng tạo. Chính vì vậy mà sau loạt video clip của tôi, khi quay bộ phim nhựa đầu tiên, anh Nam đã đoạt ngay giải camera vàng.
- Với khả năng đó, theo anh, Phạm Hoàng Nam rơi vào vị trí nào là phải hợp nhất?
- Điện ảnh. Nếu có một kịch bản tốt, một sự đầu tư tới, thì chắc chắn Phạm Hoàng Nam sẽ tiến xa hơn trên con đường điện ảnh. Còn đạo diễn show với anh Nam chỉ là chuyện nhỏ. Riêng quay phim, những người trẻ kế tiếp hiện nay, chưa qua được anh Nam. Nhưng tôi vẫn nhìn Phạm Hoàng Nam ở góc độ đạo diễn.
- Theo anh, một đạo diễn tài năng cần những yếu tố gì?
- Đầu tiên là tư duy, trình độ hiểu biết, trình độ văn học Phạm Hoàng Nam có đủ những yếu tố đó. Hơn hết, đó lại là nhà quay phim giỏi, vậy tại sao không là một đạo diễn tài năng? Anh Nam tách bạch nhưng vẫn biết dung hòa một cách khôn khéo giá trị nghệ thuật và tính thương mại, để làm sao tác phẩm đạt hiệu quả cao nhất. Ngay sau khi quay những video clip đầu tiên, tôi đã thấy mình không nhìn nhầm người. Showbiz Việt hiện nay chưa có đạo diễn nào tỉnh táo như Phạm Hoàng Nam. Anh Nam rạch ròi giữa thị trường và nghệ thuật, tách bạch rõ ràng giữa làm show kiếm tiền và chơi nghệ thuật.
- Anh đánh giá cao vai trò của đạo diễn của Phạm Hoàng Nam như thế, vì sao sau “Khi đàn ông có bầu”, lại không còn lấy một sự tái hợp giữa anh và Phạm Hoàng Nam.
- Thật ra cũng có mấy phim tôi mời anh Nam. Nhưng nhiều khi anh Nam kẹt công việc, mà tôi không thể chờ đợi được. Đến khi anh Nam rảnh, tôi lại kẹt dự án khác. Thành ra anh em hứa hẹn làm với nhau nhiều mà vẫn chưa có dịp. Gần đây nhất là dự án phim “Con ma nhà họ Hứa”. Tôi đã đưa kịch bản cho Phạm Hoàng Nam và anh ấy rất thích.
- Với những người có thương hiệu, kẹt sô là chuyện bình thường. Nhưng tôi nghĩ, một khi đã thực sự nể tài nhau, thì sẽ có rất nhiều lý do để cộng tác, chứ không “tịt ngòi” sau một tác phẩm như anh và Phạm Hoàng Nam?
- Xin khẳng định, chúng tôi vẫn bình thường. Có những dự án tôi đưa cho anh Nam, nhưng anh Nam không thích. Vì như đã nói, Phạm Hoàng Nam là người tách rõ ràng. Có những cái anh Nam thích, nhưng thời gian không cho phép tôi dừng dự án của mình, nên phải hẹn dịp khác. Chúng tôi hẹn nhiều dự án lắm. Sắp tới sẽ là “Con ma nhà họ Hứa”. Tôi nghĩ đầu năm sau sẽ bấm máy.
- Là người kinh doanh, anh luôn phải tranh thủ tài năng, cơ hội cho từng đồng tiền mình đầu tư. Nếu Phạm Hoàng Nam nhiệt tâm cộng tác với anh, còn anh đánh giá quá cao Phạm Hoàng Nam, thì tôi nghĩ, nhà sản xuất Phước Sang sẽ không để đạo diễn Phạm Hoàng Nam… thoát?
- Thị trường Việt Nam đâu phải thị trường mở rộng. Nó chỉ có mùa phim Tết, còn mức cát xê của đạo diễn chừng mực, trong khi dự án lớn của anh Nam còn nhiều. Cũng có những ý tưởng anh Nam đưa cho tôi. Tôi tôn trọng nhưng nó chưa đến điểm chín muồi để đầu tư. Mà mùa phim Tết có mời anh Phạm Hoàng Nam cũng không được, vì anh ấy kẹt cứng. Đó cũng là cái mừng cho nhau. Mừng là công việc anh Nam luôn đầy ắp và cũng mừng vì công việc tôi luôn bận rộn.
- Ngay “Khi đàn ông có bầu” chưa công chiếu, nhiều người đã nhận định cái bắt tay giữa anh và Phạm Hoàng Nam… có vấn đề. Tôi không nói ai hay, ai dở, ai đẳng cấp, ai không mà ở đây là sự hợp nhau, và thực tế là anh và Phạm Hoàng Nam không hợp nhau về quan điểm nghệ thuật.
- Đó là một người nói. Thực tế là phim chiếu ra ăn khách, còn anh em vui vẻ bình thường. Ngay từ đầu tôi nói, anh Nam cực kỳ tỉnh táo, rõ ràng rành mạch giữa thị trường và nghệ thuật. Với những dự án nghệ thuật, anh Nam không cần tiền bạc, làm hết mình. Nhưng làm show event thì tiền bạc phải tới nơi tới chốn. Tôi chưa xem, nhưng đọc báo thấy anh Nam chơi trong kịch “Cánh đồng bất tận”. Tôi đọc truyện đó rồi. Tôi nghĩ anh Nam chơi thôi, chứ kiếm tiền từ kịch thì không có đâu. Tôi nghĩ, tìm một đạo diễn điện ảnh rạch ròi, ở khả năng chia sẻ như anh Nam hơi khó. Anh Nam biết sáng tạo trong khuôn khổ cho phép, chứ không phải cứ “bay” thoải mái, bỏ mặc nhà sản xuất.
“Nhân vật quan trọng với nhiều nhà sản xuất”
- Từ đầu đến giờ, anh toàn “ca” Phạm Hoàng Nam. Nhưng tôi nghĩ, người ta càng mạnh thì càng dễ bộc lộ điểm yếu. Là nhà đầu tư, anh thấy những điểm yếu gì của Phạm Hoàng Nam?
- Điểm yếu à? Tôi… không biết! Điểm yếu của anh Nam có thể là nhiều việc quá? Nhưng đó cũng không phải điểm yếu. Bây giờ mình đâu có nuôi sống được người ta. Công việc nhiều thì mừng cho nhau. Tôi biết nói điểm yếu gì bây giờ?
- Anh khách quan chút đi!
- Không phải là tôi không khách quan, mà cảm nhận của tôi là một sự trân trọng dành cho Phạm Hoàng Nam, chứ không có điểm yếu, điểm mạnh ở đây.
- Anh có nói đến hai “đặc điểm nhận dạng” Phạm Hoàng Nam: kỹ tính và tỉnh táo. Tôi nghĩ, hai yêu tố đó, trong hoàn cảnh nào, có thể… phá tan sự sáng tạo táo bạo và khát vọng dấn thân của người nghệ sĩ?
- Tôi lại nghĩ đó là sự khôn khéo của Phạm Hoàng Nam. Nên nhớ, sáng tạo, phiêu linh, bay bổng là con dao hai lưỡi. Nó có thể mang đến sự thành công, cũng có thể lại một đống đổ nát. Có thể anh thành công về mặt nghệ thuật, thành công về một số khán giả cảm nhận đến đỉnh điểm điều anh trình bày, chứ không phải đại đa số, hay toàn bộ người thưởng thức nó. Nhưng sự thành công ở đây chỉ là thỏa mãn một số ít thị phần nào đó. Phải hiểu, Phạm Hoàng Nam đang làm cho hầu bao của Phước Sang, tạp chí Đẹp (Đẹp Fashion show) hay đối tượng A, B, C gì đó. Khi phiêu linh, chỉ một lần thất bại là đồng chí Nam đi luôn. Nên cân bằng là anh Nam quá khôn ngoan. Đó là sự quá khôn khéo, mà chỉ có người tỉnh táo mới làm được. Còn nếu chủ đầu tư không màng tới tiền, bảo đảm Phạm Hoàng Nam sẽ làm khác.
- Trong nghệ thuật, phiêu linh và sáng tạo là không bao gờ thiếu, và nó cần thiết cho mọi người nghệ sĩ để phá đi những khuôn thước đặt ra. Đó là lý do những huyền thoại ít khi nào là người tỉnh táo, rạch ròi như… Phạm Hoàng Nam. Vậy có thể hiểu phạm Hoàng Nam rất dễ thành công, nhưng không bao giờ thành công như… huyền thoại?
- Sai! Đã là nghệ sĩ thì người nào cũng phiêu linh. Nhưng anh phải biết tỉnh táo để chọn lựa phiêu linh. Giống như sex trong điện ảnh, phải biết điểm dừng, thuần phong mỹ tục, thẩm mỹ cho phép, chứ không phải cứ phô ra mới là đẹp. Muốn vậy phải tỉnh táo. Anh phiêu linh, bay bổng thoải mái, nhưng phải có điểm dừng, phải biết giữ mình ở độ an toàn. Đó là người khôn ngoan. Còn đạo diễn cứ làm thoải mái, thỏa mãn điều mình thích, phim có được duyệt, có ăn khách hay không, “kệ bà” nhà đầu tư, thì theo tôi, đó là thất bại của đạo diễn. Tôi nhớ phim “Khi đàn ông có bầu” có quay cảnh chợ Bến Thành. Máy quay bung lên là chợ Bến Thành, chĩa xuống thấy toàn đàn ông có bầu đi chợ. Chúng tôi lấy nguyên nửa cái chợ đang buôn bán, tốn rất nhiều tiền. Phạm Hoàng Nam đưa ra ý tưởng đó, nhưng sợ tốn kém. Nhưng thấy hiệu quả tôi duyệt ngay. Kết quả là khán giả được một màn cười ngặt nghẽo. Sự sáng tạo ở đây rất khôn và tỉnh táo. Trên hết là khả năng biết chia sẻ với nhà sản xuất của Phạm Hoàng Nam. Nên không riêng cá nhân tôi, mà Phạm Hoàng Nam sẽ luôn là nhân vật quan trọng đối nhiều nhà sản xuất.
- Xin cảm ơn anh, và chúc mối quan hệ của anh và Phạm Hoài Nam luôn tốt đẹp.
Dương Sương Mai
Theo Dương Thúy
Nhận xét
Đăng nhận xét