PR – làm hay không làm?
Trích link http://ta-ogilvy.vn/pr-lam-hay-khong-lam/
Thời gian gần đây, tôi được giao nhiệm vụ “chưởng quản” cho chương trình hướng dẫn sinh viên của trường đại học RMIT. Một trong những câu hỏi cứ trở đi trở lại trong các cuộc trao đổi của chúng tôi là “trong môi trường làm việc của chị, có sự phân biệt tuổi tác không chị, vì em thấy chị còn trẻ quá, rồi như tụi em, không có kinh nghiệm gì về PR, vào làm có sao không chị?”
Cười trừ, tôi bảo “Chị về T&A Ogilvy lúc chị cũng mới ra trường như tụi em, ngày đến phỏng vấn còn chưa biết mình đang phỏng vấn cho công việc gì, rồi cho đến bây giờ, có một thứ chị nhận ra, PR rất và luôn cần một thứ, đó là sức trẻ”. Ngừng một lúc đủ đế các cô cậu nghĩ qua về câu trả lời của mình, tôi nói tiếp “trẻ để còn tung tăng ăn diện, để còn đủ sức tham gia tiệc tùng hôm nay, ngày kia, trẻ để còn đủ thu hút mà đi ăn, đi nói với nhiều đối tượng!” Mấy em phá lên cười, tôi hỏi “đó có phải là thứ tụi em đang hình dung về công việc của PR, rằng nghề PR nghe, trông hào nhoáng lắm và thấp thoáng giống PG???!”
Lại dồn dập, tôi hỏi “tụi em mong đợi gì từ nghề này?”. Có em bảo “em thích tiếp xúc với nhiều người”, em khác bảo “em thích một công việc năng động, mà ba mẹ em từng hỏi làm PR là làm gì, em giải thích hoài cũng không hiểu được, ba mẹ em cứ chất vấn, sao học hành đàng hoàng mà giờ ra làm PR???” Tôi phá lên cười, bảo em “em nói với ba mẹ rằng con đang theo đuổi một nghề cần sử dụng nhuần nhuyễn tất cả các bộ phận chính trên cơ thể con người:
1. Một cái đầu đủ lực để suy nghĩ sáng tạo, để giải quyết vấn đề, đủ nhanh đế không chỉ tiếp nhận mà còn phải tự học hàng tá thể loại thông tin mỗi ngày, đủ nhạy để có thể quăng cái này ra, bỏ cái kia vào liền tù tì mà không bị hoảng!
2. Một đôi mắt để nhìn, để cảm thấy chính xác chuyện gì đang xảy ra với khách hàng của mình. Để thấu hiểu và kịp thời phản ứng trước các biểu hiện của đối tác với những thứ đang được phơi bày trước mắt họ (bản kế hoạch, một bài báo, một buổi phỏng vấn, một cơn khủng hoảng…)
3. Một “đôi môi” không cần quá gợi cảm nhưng trông có vẻ duyên dáng, mềm mại để phát ngôn “có thể nghe được” và đôi khi căng lên để làm chủ tình huống, để dám đưa ra quan điếm của người làm tư vấn. Tôi hay nói với các bạn cùng nhóm với mình, khách hàng có thể hơn hẳn mình nhiều thứ, nhưng duy có một thứ họ cần nghe mình nói, đó là cách làm PR ở Việt Nam. Là văn hóa, là ngôn ngữ, là những biến đổi mang tính thời sự mà chỉ có người Việt Nam mới nắm bắt và thấu hiểu hết được. Vậy thì phải quyết định có nên nói không và nói như thế nào?
4. Một làn da: Da cần độ dày nhất định để tăng cường sức chịu đựng, trước nhiều câu hỏi, yêu cầu trên trời dưới đất và nhiều cú va chạm khá mạnh trên chặng đường dài quan hệ công chúng.
5. Một đôi tay: Tay nhanh và khỏe để còn bắn email đi vèo vèo mà không mắc những sai lầm ngớ ngẫn gây nên thảm họa muôn đời. Nên nhớ, một trong những sai phạm tai hại nhất của người làm truyền thông là đưa ra một thông điệp không chính xác và sai đối tượng.
6. Một đôi chân dẻo dai để chịu được sức nặng của cơ thể khi phải đứng quá lâu trong những sự kiện. Mặc dù vậy, vẫn luôn thể hiện một phong thái không biết mỏi mệt và sẵn sàng cho mọi nhu cầu cần trợ giúp của khách hàng.
7. Số 7 là một số đẹp, thế nên điều thứ 7 cũng nên là điều đẹp nhất. Cuối cùng đó nên là một trái tim, bởi trái tim tạo nên nhiệt huyết, tạo nên tình cảm giữa người với người. Trái tim là nguồn gốc, mà đã là nguồn gốc thì ít vương vào sự giả dối, cứ nói thật với nhau thì dù có là điều tệ nhất, cũng trở nên có ích.
Tôi ngưng. Và hỏi “đủ chưa em?” Đến lượt các em, cười trừ với tôi…”Khó quá chị!”.
Tôi cũng thấy khó. Sau hơn 3 năm làm việc, có bao giờ dám nhận làm cái này nó dễ dàng bao giờ. Nhưng đừng lo, khi mình còn sức trẻ! Để một lúc nào đó, những người ở bậc vị cao (Chairman, President, CEO, Directors…) nhìn “xuống” mình và chột dạ nói (nói đúng ra là hỏi) “Bạn còn trẻ quá” thì cũng sẽ “ngẩng” lên trả lời được rằng “Mọi thứ thay đổi nhanh quá, chúng tôi cần năng lượng của tuổi trẻ để cùng lúc vừa chạy theo, vừa học, vừa làm, vừa phạm lỗi, rồi cũng vừa sửa sai để làm nó tốt hơn”
Và tôi vẫn nhớ như in câu trả lời của mình, trước một câu hỏi của các em mà mình vẫn hay đọc suốt trên các báo “ chị có thấy mình đam mê với nghề PR không?”. Tôi không biết câu trả lời của mình có bị cho là bề mặt hay là sáo rỗng, hay là sách vở, cũng không quan tâm lắm, chỉ có điều, đó là câu trả lời duy nhất tôi có thể chia sẻ và diễn tả được bằng lời nói “ Chị không dám nói mình đam mê, vì chị thấy có rất nhiều thử thách trong nghề chưa biết mình có vượt qua được không. Tuy nhiên, có một thứ chị có thế nói được, đó là chị tri ân nghề này, tri ân khoảng thời gian chị làm việc cho đến bây giờ. Vì đơn giản, nhờ như vậy, chị mới là chị của hôm nay và đường hoàng ngồi nói chuyện với bọn em thế này!”
25 tuổi, tuổi đời còn rất ít, tuổi nghề còn ít hơn. Nhưng nếu nhìn khác đi, tôi còn khoảng 30 năm nữa để vun đắp và hoàn thiện. Như thế chẳng phải là đường rộng và dài sao? 25 tuổi, tôi biết mình thừa ham muốn nhưng thiếu kiên nhẫn. Vẫn đang rèn giũa! Mà có sao đâu, 30 năm nữa cơ mà!
Thì PR là thế, làm hay không làm, tùy bạn!
Nhận xét
Đăng nhận xét