Hồng Ánh: hãy chuyên nghiệp từ thước phim đầu

Để xem trailer các phim của dự án xin bấm vào link http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/457756/Hong-Anh-hay-chuyen-nghiep-tu-thuoc-phim-dau.html

TTO - Gần 4g chiều Hồng Ánh tất tả đến chỗ tập kịch ở sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM), trên tay còn cầm một hộp cơm trưa chưa kịp ăn. Nhìn lịch làm việc trong một ngày bình thường của chị mà thấy chóng mặt.
Nhân dịp những bộ phim ngắn trong dự án 89.600km +... mà Hồng Ánh tham gia trong vai trò nhà sản xuất, Tuổi Trẻ Online đã "xí" con người bận rộn này một cuộc trò chuyện.
Nữ diễn viên Hồng Ánh - Ảnh: Lê Minh
Ra mắt phim ngắn do Hồng Ánh sản xuất
Bốn bộ phim ngắn của dự án 89.600km+… do diễn viên Hồng Ánh sản xuất sẽ ra mắt khán giả vào 18g ngày 11-10-2011 tại Megastar Cinema (Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM).
Bốn bộ phim ngắn gồm Chuyện tào lao của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy; Tình anh bán chuối của đạo diễn Huỳnh Thanh Sỹ; Ngược chiều của đạo diễn Phạm Lộc; Xe ôm của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Đây là bốn bộ phim được dựng từ 4 kịch bản được chọn trong số 29 kịch bản gửi dự thi.
>> Mời bạn đọc xem trailer của bốn bộ phim ngắn dưới cuối bài.
* Trở về sau khi tham dự những khóa huấn luyện về sân khấu ở Mỹ, sản xuất ở Singapore, khán giả thấy chị đầy năng lượng khi tham gia rất nhiều hoạt động. Chị có nghĩ mình cần phải có những khoảng ngừng lại, nghỉ ngơi để tái tạo?
- Những khóa học đã cho tôi khoảng thời gian để nghỉ ngơi và làm mới cảm xúc của mình rồi. Bây giờ, giống như đã được nạp đủ năng lượng, tôi cần phải tiếp tục chặng đường của mình.
Hiện nay, sau hai vai diễn trong Nửa đời ngơ ngácHãy khóc đi em, tôi đang cùng lúc tập hai vở khác trên sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh và Idecaf, đồng thời quản lý dự án 89.600km+ hỗ trợ các bạn làm phim ngắn. Nói chung nhiều khi tôi ước “thân này ví xẻ làm ba được…”(cười).
* Bài học lớn nhất chị rút ra được sau những khóa học đó?
- Người nghệ sĩ thường có cái tôi rất lớn, muốn được người khác nghe hơn là lắng nghe. Sau khoảng thời gian tham dự các khóa học và được làm việc với nhiều người trẻ, với nhiều cá tính khác nhau, tôi biết làm việc nhóm hơn, biết lắng nghe những ý kiến trái ngược với mình nhiều hơn.
Lắng nghe. Đó là thay đổi lớn nhất và quan trọng đối với tôi.
Một họa sĩ, một nhà văn có thể độc lập trong suy nghĩ, trong thể hiện cái tôi của mình, có thể chia sẻ chính kiến đó ra dù được người này đồng cảm hay người kia không đồng cảm. Nhưng với một sản phẩm điện ảnh, nếu không tổng hợp được sức mạnh tập thể, không tạo được nguồn hứng khởi của tập thể và không tận dụng nó thì khó tạo ra một tác phẩm tốt.
Hồng Ánh với vai Thắm  trong vở kịch Hãy khóc đi em - Ảnh: Gia Tiến
* Dường như chị đang muốn thoát dần ra khỏi những vai diễn những người phụ nữ sâu sắc, đa đoan. Chị bắt đầu đóng vai hài, gái quê “độc” và nghe nói chị từng đi casting cho vai Bích trong phim hài Long ruồi? Chị nói gì về sự dịch chuyển này?
- Đối với một diễn viên, phá được thói quen thì nghề nghiệp chuyên môn của mình mới phát triển. Cho nên tôi thích những vai khác hẳn với những vai mà mình từng đóng trước đây. Đã có một cô Ba chọc cười trong Kính thưa osin và một Thắm thủ đoạn trong Hãy khóc đi em, hi vọng sẽ còn có chỗ cho những vai diễn khác biệt hẳn nữa.
* Trong bộ phim mới nhất - Tâm hồn mẹ - chị vào vai một người phụ nữ mà nói như đạo diễn Phạm Nhuệ Giang là thể hiện “sự hồn nhiên bản năng của một người đàn bà lao động”. Chị nói gì về vai diễn đặc biệt này? 
- Những vai diễn trước đây có những diễn biến thay đổi tâm lý rất phức tạp, còn vai diễn này thì yêu ghét hoàn toàn rất bản năng, hồn nhiên. Đối với tôi, một người đã diễn xuất lâu năm trong nghề thì vào những vai diễn sâu sắc có vẻ dễ hơn khi diễn những cái gì thuộc về hồn nhiên. Hóa thân vào vai diễn này cũng giống như mình phải "làm lại" con người - giống như lúc mình mới vào nghề, phải quên sự sâu sắc đi và phải biết hời hợt một chút để sống với nhân vật này.
Hồng Ánh với các bạn trẻ trong dự án làm phim ngắn 89.600km+ - Ảnh: Lê Minh
Hãy làm phim theo phong cách của chính mình
* Hiện chị làm việc với rất nhiều bạn trẻ trong một số bộ phim ngắn, đặc biệt là trong dự án 89.600km+… Chị thấy họ ảnh hưởng gì từ chị và ngược lại các bạn trẻ đó có tác động gì đến chị?
- Chúng tôi chỉ có thời gian làm việc ngắn ngủi với nhau trong vòng 5 tháng, nên cũng khó nói họ ảnh hưởng gì từ tôi. Có lẽ tôi chỉ mong họ hiểu một điều: nghệ thuật, trong đó đặc biệt là điện ảnh, đòi hỏi một thái độ làm việc nghiêm túc, xả thân với nghề nghiệp và tinh thần đồng đội cao. Thiếu điều đó, dù tài năng của đạo diễn có lớn đến chừng nào cũng không thể đảm bảo cho thành công của bộ phim.
Từ phía mình, tôi cảm thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, giống như mình lại quay về với ngày xưa, khi lần đầu tiên được tham gia một vai trong Người đẹp Tây đô, kể từ những ngày đầu tiên đó tôi đã thấy trong mình một tình yêu trong sáng và nồng nhiệt với điện ảnh. Cái đó quý lắm.
* Những câu chuyện nào của những người trẻ ấy đã khiến chị phải suy nghĩ?
- Trung bình chúng tôi hỗ trợ mỗi phim trong dự án này mức kinh phí 100 triệu đồng. Đây là một con số không ít, nhưng cũng không thể nói là nhiều để tổ chức một đoàn phim ngắn theo quy trình chuyên nghiệp.
Để công việc sản xuất phim diễn ra theo mong muốn, hầu hết các thành viên của đoàn phim đều phải làm việc theo tinh thần tình nguyện, hỗ trợ nhau để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Có những bạn thậm chí không cần đến thù lao và đã làm việc hết sức mình cho thành công của bộ phim mà mình tham gia. Ngay cả những diễn viên có tên tuổi như Quách Ngọc Ngoan đã dành thời gian dù không nhiều để ủng hộ đạo diễn trẻ làm phim.
Nhìn các bạn nằm lăn dưới đường hay trèo lên trụ điện cao để tìm kiếm một góc quay đẹp, hình ảnh đó khiến tôi xúc động. Tôi nghĩ tinh thần này rất đáng trân trọng. Yêu nghề, không câu nệ khó khăn sẽ là hành trang quan trọng để các bạn đi trên con đường dài nghệ thuật.
* Lời khuyên nào của chị dành cho các bạn trẻ bắt đầu với các bộ phim ngắn?
- Tôi không muốn đưa ra những lời khuyên vì tôi còn phải học hỏi nhiều từ các bạn. Tôi mong những nhà làm phim trẻ bên cạnh sự hồn nhiên, trong sáng, sự quyết liệt mà các bạn đang có sẵn trong con người tuổi trẻ của mình thì khi làm phim các bạn hãy nghĩ đến sự chuyên nghiệp ngay từ những thước phim đầu tiên, chuyên nghiệp từ những việc nhỏ nhất. Phải tạo cho mình một ý thức kiên quyết.
Nếu các bạn coi điện ảnh là một sự nghiệp dài thì đừng nên nóng vội, hãy tìm tòi những câu chuyện, hãy kể nó một cách sáng tạo nhất... Hãy làm phim theo phong cách, thẩm mỹ của chính mình, vì tác phẩm đó phản ảnh chính bạn.
Làm phim về tình yêu thì không khó, nhưng tình yêu của chúng ta sẽ như thế nào khi đặt trong một bối cảnh giao thông hỗn loạn như hiện nay? Và liệu giao thông hay cách chúng ta cư xử với giao thông có phản ánh điều gì trong con người chúng ta hay không? Tóm lại, chúng tôi tạo ra những rào cản để hi vọng các bạn trẻ sẽ tìm cách vượt qua những rào cản đó để làm ra những tác phẩm có giá trị.
* Dự án 89.600km+ là dự án đầu tiên của chị tham gia với tư cách là nhà sản xuất. Tại sao không phải là một chủ đề về môi trường, tình yêu… mà là vấn đề về giao thông? 
- Mong ước của tôi là làm những bộ phim về những câu chuyện giản dị mà xúc động, những số phận, những cuộc đời có thể lướt qua ngay bên cạnh chúng ta mà chúng ta dễ dàng bỏ quên. Mỗi đường phố, mỗi ngã tư đều có một câu chuyện của nó. Giao thông là một đề tài có thể nói là “khô cứng”, và chúng tôi muốn cái “khô cứng” của đề tài tạo ra một thách thức với các bạn trẻ.
* Trong các kịch bản gửi tới tham dự dự án 89.600km+, chị cảm thấy thú vị và ấn tượng với câu chuyện nào?
- Đề xuất ý tưởng thực hiện chân dung nhân vật trong phim tài liệu Xe ôm của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm khiến tôi rất ấn tượng. Lý do trước hết có lẽ vì câu chuyện này đã có một lợi thế là “người thật việc thật”. Xe ôm còn là một bộ phận nghề nghiệp khá quan trọng trong bộ mặt chung của giao thông đô thị tại thành phố có hệ thông giao thông như Việt Nam. Nói như thế có vẻ không công bằng lắm với những phim còn lại, phải không? (cười).
"Gia đình khiến tôi hiểu hơn về khái niệm hài hòa"
* Vừa qua chị đã không trúng cử đại biểu Quốc hội, chị có cảm thấy thất vọng nhiều không? Những dự án, kế hoạch mà chị sẽ làm nếu trúng cử có gì thay đổi? Chị có tiếp tục thực hiện những kế hoạch đó hay từ bỏ?
 - Trải nghiệm của tôi trong quá trình tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là rất quý báu. Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, tôi đã được tiếp xúc rất nhiều người dân lao động bình thường, có điều kiện lắng nghe những câu chuyện đời sống thường nhật.
Có rất nhiều điều có thể suy ngẫm về những câu chuyện ấy, nên chuyện trúng cử với mình không quan trọng. Cái quan trọng là ở cương vị hiện nay mình có thể đóng góp được gì cho xã hội. Tôi đã dành nhiều thời gian và sức lực của mình để hỗ trợ các bạn trẻ làm phim - cũng là một trong những lời hứa của tôi khi tiếp xúc với cử tri - là đem đến cho họ nhiều hơn những bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam (cười).
* "Những câu chuyện" đáng để chị suy ngẫm là gì?
- Có nhiều câu hỏi dành cho tôi, có lẽ vì người dân đã biết mình qua truyền hình, màn ảnh rộng. Những gì tôi được nghe có thể đúng, có thể sai, có thể chính đáng hoặc chưa, nhưng đều là những tiếng nói thật, phản ảnh những chất chứa, nguyện vọng, cả tình cảm của người dân với những người có trách nhiệm, với đất nước.
Đọng lại trong tôi hơn cả không phải là lời nói mà là hình ảnh. Người dân mình còn nghèo quá. Tôi nhìn thấy điều đó trong cách họ ăn mặc, trong hình dáng của họ, cả cách họ nói về câu chuyện của mình hầu như đều xung quanh cái nghèo khó.
Tôi thấy rõ hơn một điều mà chúng ta đã nói rất nhiều năm về trước: khoảng cách giữa thành thị và nông thôn của đất nước chúng ta còn xa. Thú thật, đã có lúc tôi nghĩ có lẽ chỉ cần tìm cách để người giàu chia sớt 1% sự giàu có của họ cho người dân nghèo ở một xã đảo, hay một ấp nghèo nơi tôi đã đến, chắc cuộc đời những người dân nghèo đó đều có cơ hội sang trang...
* Chuyện tình yêu, hôn nhân của chị dường như không quá suôn sẻ? Chị có lời chia sẻ nào trong việc đấu tranh và gìn giữ tình yêu cũng như mái ấm gia đình?
- Giá trị của tình yêu không chỉ là mỗi người có một chỗ nương tựa, sẻ chia mà còn ở chỗ nó làm con người ta cứng cáp, bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Và một tình yêu sẽ đẹp, tôi nghĩ khi nó được đặt trong những nhân duyên thử thách. Con người bản lĩnh, tình yêu đủ chín thì sẽ chiến thắng, còn không thì thất bại cũng là lẽ thường. Tôi không có nhiều khái niệm, định nghĩa về tình yêu, chỉ biết sống hết mình vì nó, với những xúc cảm thật nhất mà mình có ngay thời điểm hiện tại.
* Sau 2 năm lập gia đình, những trải nghiệm của một phụ nữ có chồng tác động thế nào trong công việc cũng như trong cuộc sống của chị?
- Tôi nghĩ trải nghiệm của tôi cũng bình thường như bất cứ phụ nữ nào bước từ đời sống độc thân sang đời sống gia đình: suy nghĩ chín chắn hơn, bớt mơ mộng hơn, định hướng cho tương lai rõ ràng hơn.
Trước đây tôi rất nóng tính, luôn đặt cảm xúc của mình lên trên hết, nên khi làm việc tâm lý rất dễ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Giờ đây tôi nghĩ chắc mình điềm tĩnh hơn, biết tiết chế cảm xúc để đạt được hiệu quả làm việc nhóm cao nhất.
Trước đây tôi rất bừa bộn trong cả cảm xúc lẫn trong cách bố trí công việc. Gia đình khiến tôi hiểu hơn về khái niệm “hài hòa”, biết cân bằng các mối mâu thuẫn, biết việc gì nên làm trước việc gì có thể để sau, biết sắp xếp cuộc sống và công việc của mình để đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. Tóm lại tôi trưởng thành lên nhiều!  
* Xin cảm ơn chị và chúc chị hạnh phúc. 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến