Đặng Cao Cường và giấc mơ điện ảnh

Thi 3 lần mới đỗ vào trường ĐH SK-ĐA Hà Nội, để rồi tốt nghiệp thủ khoa đạo diễn. Làm diễn viên quần chúng, đi chụp ảnh dạo ở Hồ Tây, đi phục vụ đám cưới để nuôi dưỡng ước mơ điện ảnh. Theo chân các đoàn phim làm thư ký, trợ lý đạo diễn, làm phim ngắn, phim quảng cáo… để chờ dịp làm phim dài đầu tay. 

25 tuổi, Đặng Cao Cường đã theo đuổi “giấc mơ điện ảnh” của mình như thế.


Ảnh minh họa

Đạo diễn, diễn viên Đặng Cao Cường
Thi 3 lần mới đỗ
Cường đến với điện ảnh bằng sự vô tư của một chàng trai vùng núi Anh Sơn, Nghệ An. Nơi ấy, cơ hội tiếp xúc với phim ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung còn hạn chế. Khi xem cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học”, thấy trường ĐH SK-ĐA “nghe có vẻ hay hay”, vậy là đăng ký thi 2 ngành Quay phim và Diễn viên. Trượt cả hai.

Sau đó, một lần tình cờ được bạn bè rủ đóng “Gặp nhau cuối tuần”. Làm diễn viên quần chúng, nhận cat-xê 20 nghìn đồng mà “cười tít cả mắt”. Những vai diễn nhỏ tiếp theo làm cậu thấy thích không khí làm phim. Thế là thi đạo diễn. Lại trượt tiếp.

“Hai năm trượt đại học, bố mẹ tôi rất lo và gợi ý nhiều con đường khác. Vào quân đội, hay học trung cấp Xây dựng đều có cửa làm việc ổn định mai sau. Nhưng tôi vẫn thấy mê điện ảnh” - Cường chia sẻ.

Thời gian ấy, Cường bám trụ Hà Nội, đi chụp ảnh dạo ở Hồ Tây, có một giai đoạn đi phục vụ đám cưới. Thi thoảng đi đóng phim. Toàn vai quần chúng, không cần thoại, nhưng vẫn vui. Thế rồi một lần có anh bạn giới thiệu vào một vai thứ chính trong phim truyền hình “Trận cầu đinh” của đạo diễn Đỗ Chí Hướng.

“Hồi ấy vẫn lơ mơ về phim ảnh, đọc kịch bản phân cảnh, tôi còn hỏi đạo diễn, em đóng vai Trung hay Toàn (Cận – Trung – Toàn là các cỡ cảnh trong điện ảnh - người viết). Sau bộ phim này, tôi về quê, oai lắm, nhiều người nhận ra”.

Những kỷ niệm ngộ nghĩnh của dạo chạm ngõ điện ảnh vẫn còn làm cậu hào hứng khi nhớ lại: “Có lần đèo mẹ đi chợ, vừa vào chợ thì mọi người nhận ra nên xúm lại hỏi thăm. Đông lắm, người kéo sang bên này, người lôi sang bên kia hỏi “có được nhiều tiền không”, “ôm nhau thích không”, “hôn thật hay hôn giả”... Những niềm vui kiểu như thế làm tôi máu nghề hơn”.

Đến giờ, Cường đã dắt lưng thêm một vài vai diễn, và tạo chút dấu ấn như vai A Lử trong phim “Gió đại ngàn” của đạo diễn Đỗ Chí Hướng, vai Phong trong phim “Những cánh hoa bay” của đạo diễn Bùi Huy Thuần…

Tìm các cơ hội để làm phim
Người ta nói nhiều đến thực trạng đào tạo điện ảnh với những thực tế không tích cực. Ở trường, máy móc hạn chế, ít thời gian thực hành là một bất cập không nhỏ với một ngành nghề đòi hỏi thực nghiệm nhiều. Cũng như nhiều sinh viên điện ảnh, Cường xác định tự học thêm qua làm nghề.

Cường rất tích cực làm phim ngắn. Đến giờ cậu đã đạo diễn gần 10 phim. Cậu cho rằng bản thân tiến bộ lên nhiều nhờ cách thực hành này: “Sau mỗi phim, lại tự rút ra được những bài học riêng. Bây giờ nhìn lại tất cả các phim đã làm tôi đều thấy chưa hài lòng. Tự thấy là cũng vỡ ra nhiều”.
Ảnh minh họa

Đặng Cao Cường (giữa) trong vai trò của một đạo diễn
Với các sinh viên điện ảnh, đặc biệt khoa đạo diễn, vấn đề kinh phí làm bài tập, bài tốt nghiệp luôn là… vấn đề. Ngạc nhiên khi Cường cho biết “từ khi vào trường đến giờ tôi chưa hề tốn một đồng làm phim”.

Ba phim trong số ấy, Cường kết hợp với các bạn quay phim khoá trên. Họ làm bài tốt nghiệp, nhờ cậu làm đạo diễn. Hai phim khác, trong đó có phim tốt nghiệp “Đoản khúc”, Cường tham gia chương trình “Giấc mơ điện ảnh” của công ty Lạc Việt, một chương trình chuyên sản xuất phim ngắn chiếu hàng tuần trên VTV9. Viết kịch bản, gửi tới, họ đồng ý, cấp kinh phí cho làm đạo diễn.

Hai phim nữa, Cường thực hiện dưới sự tài trợ toàn bộ kinh phí của quỹ SIDA, Thuỵ Điển. Cơ hội này đến nhờ cậu thi đỗ vào chương trình đào tạo điện ảnh của quỹ, vốn là một chương trình liên kết với trường ĐH SK-ĐA Hà Nội.

Thậm chí có những cơ hội thú vị, như có ông Tây giám đốc một công ty xây dựng, chỉ đơn giản là mê phim, sẵn sàng cho cậu hơn chục triệu để làm phim ngắn “Con đường đỏ”.

“Nói chung, tôi tìm mọi cơ hội có thể để làm phim” - Cường bảo vậy.

Thích sống trong không khí làm phim 
Năm 2008, phim ngắn “Đoản khúc” của Cường được điểm thủ khoa tốt nghiệp lớp đạo diễn điện ảnh, khoá 24, ĐH SK-ĐA Hà Nội, lại được khán giả bình chọn là phim được yêu thích nhất trong năm của chương trình “Giấc mơ điện ảnh” trên VTV9.

Ra trường, Cường được Hãng phim Lạc Việt đề nghị làm quản lý chương trình “Giấc mơ điện ảnh”, tức là làm công việc tuyển chọn kịch bản, tổ chức sản xuất… Công việc ổn định và lương cũng khá nhưng cậu từ chối vì thích được đi làm phim hơn, dù hiện tại, như Cường tự nhận “mới chỉ là lang thang để học hỏi thêm kinh nghiệm thôi”.

Cường quan niệm, đạo diễn trẻ nên chịu khó đi từ những công việc cho tôi cơ hội học nghề.

May mắn được theo các đoàn phim từ khi chưa vào trường, Cường có nhiều dịp quan sát công việc làm phim. Không chỉ làm diễn viên, cậu còn được một số đạo diễn cho làm thư ký, rồi trợ lý đạo diễn.

Bắt đầu từ những việc đơn giản như ghi số cảnh, ghi trang phục của diễn viên để hợp rắc-co, nhắc thoại cho diễn viên, nhắc cảnh cho đạo diễn, đọc hiểu kịch bản, tính cách nhân vật… cũng học việc được tương đối.

Để sinh nhai, thi thoảng Cường làm những phóng sự hoặc phim quảng cáo giới thiệu các doanh nghiệp. Ngoài ra, cậu vẫn thích làm phim ngắn và lúc này đang chuẩn bị hoàn thành thêm 2 phim ngắn. Cậu cũng tích cực đi theo phụ các đạo diễn lão làng. “Sống trong không khí làm phim rất thích, tôi là người thích lang thang” – chàng đạo diễn trẻ 25 tuổi thổ lộ.

Lúc này, Cường đang viết một kịch bản phim video 90 phút, và cùng với một biên kịch viết một kịch bản phim truyền hình 30 tập. Sẽ bắt đầu “giấc mơ điện ảnh” bằng việc chào hàng kịch bản cho các hãng phim…
Đặng Cao Cường của ngày hôm nay
P/s bài viết lấy từ link vnmedia.vn/newsdetail.asp?Catid=42&NewsId=162838

Nhận xét

Bài đăng phổ biến