Nghề khó nhất thế giới

Bài viết của Trương Công Tú - Giám đốc CTy Vietpictures
Viết tặng những đồng nghiệp, những người đã chia sẻ cùng tôi trên con đường khát vọng và mưu sinh trong suốt thời gian qua!

Nghề làm truyền hình với tôi là nghề khó nhất thế giới. Chẳng phải tùy tiện mà tôi dám kết luận như vậy. Dù chưa làm nhiều nghề, chưa trải nghiệm hết mùi vị cuộc sống, tôi vẫn không nhìn thấy ở đâu một nghề khó khăn, phức tạp, nhiều thử thách như truyền hình.

Một nghề vừa đòi hỏi anh có trái tim của người nghệ sĩ để sáng tạo nên những tác phẩm luôn mới, vừa đòi hỏi cái đầu của một đấu sĩ luôn bình tĩnh để xử lý trước biển thông tin ngồn ngộn; vừa đòi hỏi anh làm việc sáng tạo, thăng hoa, vừa yêu cầu anh làm việc khoa học, chính xác.

Một nghề vừa đề cao mỗi cá nhân, vừa coi trọng làm việc tập thể, làm sao sản phẩm làm ra vừa mang cá tính độc đáo riêng của mỗi người, lại vẫn là một thế thống nhất.

Làm sao tìm ra được nghề nào mà đòi hỏi người làm có nhiều kỹ năng đến như vậy? Không chỉ phải tư duy ngôn ngữ, anh phải tư duy hình ảnh, tư duy âm thanh, thậm chí cả tư duy không lời. Một tờ báo anh không thể để trang giấy trắng nhưng màn hình đen kịt hay trắng xóa vẫn nói được nhiều điều, một hình ảnh đổ nát cháy nổ kinh hoàng mà không có một âm thanh nào vẫn có thể mang lại những hiệu quả đặc biệt. Một nghề mà anh nói cho hàng triệu người nghe, hàng triệu con mắt trông vào, hàng triệu sở thích khác nhau. Bằng cách này hay cách khác, anh phải thỏa mãn tất cả.

Làm sao tìm được nghề nào mà chỉ chuyên môn nghề thôi không đủ. Anh còn phải học nhiều, đọc nhiều để trở thành một chuyên gia thực thụ về lĩnh vực đề tài anh phục trách. Làm về thị trường chứng khoán, là phóng viên giỏi không có nghĩa chỉ thủ pháp thể hiện là đủ, anh còn phải là chuyên gia kinh tế thực thụ. Làm phổ biến kiến thức nông nghiệp, anh phải trở thành một nhà khoa học. Làm phóng viên theo dõi quốc hội, anh trở thành nhà chính trị, trở thành người luật sư,…

Làm sao có nghề mà nếu không cẩn thận và ngừng học hỏi, không đọc đọc đọc và nghĩ nghĩ nghĩ, anh vẫn có thể mắc sai lầm nghiêm trọng, chương trình làm ra không có ai xem hoặc gây hậu quả ngược, kinh nghiệm làm nghề lâu năm khi ấy chỉ như một đồ trang sức phù phiếm, chẳng có chút giá trị nào.

Làm sao kiếm được nghề như thế! Nghề thúc anh phải tiến lên từng ngày, dừng lại là tụt hậu; mỗi một ngày mở mắt ra là một ngày mới lạ, tràn ngập những tri thức mới; nghề bắt anh quan tâm đến tất cả, từ những cái đã qua và những điều đang tới. Nghề khắt khe hơn cả những bà mẹ chồng cay nghiệt nhất…
link http://www.facebook.com/notes/s%E1%BB%9F-l%E1%BB%91/ngh%E1%BB%81-kh%C3%B3-nh%E1%BA%A5t-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi/494813413557

Nhận xét

Bài đăng phổ biến